Người mẹ nghìn con

BTO- Những người trọng nghĩa trọng tình

Thường hay ít nói chuyện mình giúp ai

Bởi câu ca vẫn nhớ hoài

“Làm ơn há dễ mong người trả ơn”

Đó là cô giáo họ Tôn

Đã rằng từ thiện lại luôn khiêm nhường.

 

(Trích: Hoa nhân từ, trường ca của Bùi Thiện Toại)

Tôi là sinh viên dân tộc thiểu số quê Cao Bằng, tôi xuất thân từ gia đình mù chữ có 5 anh em và tôi là con cả, nhà sống trên núi cao cuộc sống vất vả thiếu thốn mọi bề, năm lên 10 tuổi tôi đã phải di cư theo bố mẹ đến ba nơi để kiếm kế sinh nhai mà cuộc sống vẫn lam lũ đói nghèo. Năm lên 11 tuổi may mắn được đến lớp học xóa nạn mù chữ rồi lên thẳng lớp 3, từ ấy tôi luôn khát khao tiếp tục hành trình đi tìm cái chữ và rồi cuối cùng cũng trở thành sinh viên xuống Thái Nguyên học còn lại 4 em ruột đều mù chữ và đã lập gia đình.

Từ khi trở thành sinh viên, thấy hoàn cảnh tôi quá khó khăn nên một số bạn có lòng tốt giới thiệu viết thư xin tiền trợ cấp từ thiện để phần nào trang trải cuộc sống ăn học. Ban đầu tôi nghe là lạ chẳng muốn tin nổi vào tai mình, bởi tôi luôn nghĩ theo kiểu quê thậm chí trâu bò làng xóm ăn vài cọng lúa hay vài bắp ngô của nhau vẫn phải đền bù theo lệ làng lệ bản trừ những bữa cơm anh em bạn bè mời nhau thì không vấn đề chứ chưa nghe chuyện ai biếu nhau tiền trăm tiền triệu bao giờ.

Nhưng rồi cuộc sống quá thiếu thốn trong sinh hoạt, các bạn khác thì hàng tháng bố mẹ gửi tiền đều để ăn học, những bạn nhà ở trong địa bàn Thái Nguyên hoặc các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh… thì cuối tuần không về bố mẹ có thể gửi gạo và một số đồ ăn lên dự trữ cả tuần cả tháng còn mình thì bố mẹ làm nương rẫy bữa ăn chủ yếu là ngô mảnh xay bằng cối đá với canh rau, kể cả có gạo thì nhà cách đường ô tô xa, tiền xe ôm từ trong xã ra huyện khá tốn kém, lâu lâu được nghỉ muốn về thăm nhà còn khó chứ nói gì đến “cơm áo gạo tiền” gửi từ quê ra. Vì thế thậm chí vài tháng bố mẹ mới chắt chiu được vài trăm nghìn từ việc bán bí đỏ, đỗ tương, củi hoặc vay mượn từ anh em họ hàng để gửi nên cuộc sống sinh hoạt của tôi chủ yếu phụ thuộc vào việc ăn nợ sống nợ. Mỗi khi nhận được đồng nào của bố mẹ gửi, chưa giải quyết xong nợ cũ lại phải nợ mới nào là quán thức ăn, tiền trọ tiền điện nước, nghĩ mà thở ngắn thở dài… Vì vậy, tôi quyết định dò hỏi lại tin tức về người làm từ thiện do bạn bè giới thiệu trước đó thì được biết đó là cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt sinh năm 1954 giảng viên tiếng Anh Trường Đại học Ngoại Ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội, cô đã sáng lập ra Chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên người dân tộc thiểu số quê vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình của cô thành lập năm 1997 đã thu hút được nhiều cá nhân và tập thể trong và ngoài nước đóng góp giúp đỡ  biết bao các thế hệ sinh viên cả nước vượt lên nghịch cảnh.

menghincon

Cách thức tham gia để xin được giúp đỡ là nhờ một bạn sinh viên trong nhóm đang được cô tin tưởng và giúp đỡ viết thư giới thiệu kèm với một lá thư trình bày hoàn cảnh của người xin được giúp đỡ gửi cho cô xem xét để xin người đỡ đầu, riêng bản thân cô đang giúp đỡ nhiều người nên nếu chưa tìm được người giúp cô sẽ tự bỏ thêm tiền túi và bảo các bạn sinh viên đang được giúp đỡ chia sẻ phần của mình để gom góp suất cho người mới.

Tiền trợ cấp được cô gửi đều đặn từ 5 đến 6 trăm nghìn đồng/tháng qua tài khoản ATM, trưởng nhóm có nhiệm vụ đi rút tiền phát cho các thành viên trong nhóm và thu thập các lá thư cảm ơn của các thành viên trong nhóm để gửi cho cô Nguyệt chuyển đến người đỡ đầu. Nếu người giúp là người nước ngoài thì cô phải dịch thư sang ngoại ngữ, công việc này thật sự không đơn giản vì lượng thư của sinh viên không phải là ít nên rất vất vả cho cô. Ngoài ra cô còn giao nhiệm vụ cho trưởng nhóm phải có trách nhiệm theo dõi tình hình học tập, biểu hiện tốt xấu về đạo đức lối sống của từng người trong nhóm để báo cáo lại tình hình. Không chỉ dạy cho học trò ý thức vươn lên, cô Nguyệt còn dạy chúng tôi biết san sẻ tình yêu thương trong cuộc sống, cần phải biết nhìn xuống, để thấy còn nhiều người khốn khó hơn mình, thiệt thòi hơn mình để biết “nhường cơm sẻ áo”. Như vậy ngoài sự quan tâm về bữa ăn giấc ngủ cô còn quan tâm toàn diện cả “học ăn, học nói, học gói, học mở” của học trò. Đôi khi tôi nghĩ nhiều người vẫn cho rằng “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ…” nhưng riêng đối với tôi vẫn còn người mẹ thứ hai thật tuyệt đó là mẹ Nguyệt của chúng tôi.

Các thành viên trong nhóm được giúp đỡ đa số là người dân tộc thiểu số do hoàn cảnh xa trường lớp đi học muộn hoặc nhiều lý do khó khăn khác nên nhiều tuổi hơn các bạn sinh viên cùng khóa, mỗi khi viết thư cám ơn người đỡ đầu cũng chỉ biết tên chứ chẳng rõ nghề nghiệp tuổi tác nên thường xưng cháu và gọi bác. Có hôm tôi xem ca nhạc trên ti vi có cô ca sĩ trong nhóm nhạc trẻ nổi tiếng của Hàn Quốc tên là Jessica đã làm tôi giật mình, vì cái tên đó trùng với tên của một người đỡ đầu giúp rất nhiều người trong nhóm sinh viên Thái Nguyên chúng tôi mà mỗi lần viết thư cảm ơn

Cô Nguyệt và cậu học trò Nguyễn Sơn Lâm (Ảnh nguồn Vietnamnet)

 toàn gọi bằng bác. Nếu phải cô ca sĩ ấy thật thì nhìn trẻ trung xinh xắn nhảy nhót nhí nhảnh thế kia chắc gì đã bằng tuổi chúng tôi…Rồi chúng tôi lại tự bảo nhau rằng nếu phải cô ca sĩ đó thật thì mình có gọi bằng bác khi mẹ Nguyệt dịch sang tiếng Anh vẫn thành YOU hết thôi có sao đâu, mẹ Nguyệt của chúng mình vẫn là nhất mà, chúng tôi lại được trận cười rôm rả.

Dù không được gặp trực tiếp để cảm ơn hay biết nhiều về người đỡ đầu mình nhưng trong lòng chúng tôi vẫn biết rằng người trực tiếp đứng đầu để làm những công việc ấy là cô giáo, là người mẹ nghìn con  của chúng tôi Tôn Thị Thu Nguyệt.

Tấm gương, tấm lòng nhân ái của mẹ sẽ sáng mãi sáng trên bầu trời của tình yêu thương con người, bầu trời của sự chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.

Bàn Hữu Tài

Leave a comment

Your email address will not be published.


*


Góc Y Tâm